5 làng nghề làm hương-Nơi gìn giữ nét tâm linh của Người Việt

5 Làng nghề làm hương nổi danh đất Việt

Trong văn hóa Việt, nén hương được coi là cầu nối giữa cuộc sống hiện tại và thế giới tâm linh. Và những làng nghề làm hương truyền thống đang góp phần gìn giữ nét đẹp đó.

1. Làng nghề làm hương xạ Cao Thôn

Đứng đầu danh sách những làng nghề làm hương lâu đời nhất cả nước có lẽ phải kể đến làng hương xạ Cao Thôn (xã Bảo Khê, Hưng Yên) nằm ngay sát đê tả sông Hồng. Với lịch sử làm hương hơn 200 năm, nơi đây được coi là cái nôi của nghề làm hương truyền thống ở Việt Nam.Trong xu thế công nghiệp hóa, những hộ làm hương thủ công ở Cao Thôn bây giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, bởi đa số đều đã chuyển sang sử dụng máy móc để nâng cao năng suất và giảm bớt sức lao động. Tuy vậy nhưng chất lượng hương thì vẫn không đổi, vẫn theo quy trình và bí quyết từ bao đời qua để lại. Bột hương của làng Cao Thôn là tập hợp của nhiều loại thảo mộc và các vị thuốc Bắc: tùng bạch chỉ, trắc bách diệp, trầm, hồi, quế, cam thảo… Theo các nghệ nhân lành nghề, để làm được loại bột hương nguyên chất, họ phải cân bằng tỉ lệ giữa các loại thảo mộc như thày lang bốc thuốc, có như vậy, nén hương mới đạt chất lượng như ý.

Với nhiều sản phẩm hương đa dạng: hương vòng, hương nén, hương quế, hương đen, hương sào… hương Cao Thôn đã khẳng định thương hiệu của mình trong nhiều gia đình Việt, thậm chí xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài: Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia…

Sản phẩm hương vòng Cao Thôn. Ảnh: Ngọc Ánh

2. Làng nghề làm hương trầm Quỳ Châu (Nghệ An)

Nhắc đến tên các làng nghề làm hương truyền thống Việt Nam không thể không nhắc đến cái tên Quỳ Châu (Nghệ An), nơi nổi tiếng với sản phẩm hương trầm (hương thơm thắp ngày Tết). Nghề làm hương trầm ở Quỳ Châu đã có từ gần 40 năm. Đến nay có khoảng 200 hộ gia đình trong làng theo nghề truyền thống cha ông để lại. Để làm ra được thứ hương trầm đặc trưng Quỳ Châu phải rất tỉ mỉ trong mọi công đoạn, từ chọn nguyên liệu để làm bột hương, chân hương, tới quấn hương rồi phơi hương. Ở Quỳ Châu, người ta xe hương bằng giấy bản nhiều kích cỡ (trong đó loại đặc biệt dài 1m, còn loại thông thường là 50cm). Nhưng dù được quấn theo kích cỡ nào thì hương trầm Quỳ Châu đều có chung một đặc điểm: cháy đượm, thơm dịu, khói mỏng và tàn hương cong tròn tuyệt đẹp.

Quá trình quấn hương ở Quỳ Châu Ảnh: HQ/laodong

3. Làng nghề làm hương xạ Hoàng Xá (Hải Dương)

Hoàng Xá (xã Nam Chính, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) từ lâu đã nổi danh khắp vùng bởi đây là làng nghề làm hương truyền thống, cha truyền con nối. Dù bề dày lịch sử khó có thể sánh với hương Cao Thôn, nhưng hương xạ Hoàng Xá vẫn có vị thế riêng.

Nguyên liệu chính để làm nên chất lượng của hương xạ Hoàng Xá chính là sự pha trộn của các vị thuốc bắc như: đinh hương, đại hoàng, tiểu hồi, sâm, xuyên khung, gỗ trầm…Bởi sự cầu kỳ trong chọn nguyên liệu mà hương Hoàng Xá khi thắp lên đều tỏa ra mùi hương thơm nhè nhẹ của thảo dược.

Đặc biệt hơn, nếu các làng hương khác áp dụng công nghệ lò sấy thì hương xạ Hoàng Xá vẫn kiên trì phơi hương dưới ánh nắng mặt trời theo phương pháp thủ công, để hương được thơm tự nhiên.

Người dân hối hả phơi hương cho được nắng. Ảnh infonet.vn

4. Làng nghề làm hương Báo Ân (Hà Tĩnh)

Trong những làng nghề làm hương ở Việt Nam, làng hương Báo Ân (xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) không phải là cái tên có lịch sử lâu đời, nhưng chất lượng thì không hề thua kém bất kỳ làng nghề danh tiếng nào có lẽ cũng bởi thứ nguyên liệu là những loại thảo mộc tự nhiên, được phối chế theo một tỉ lệ thích hợp để tạo nên hương thơm đặc trưng khi thắp.

Cũng giống như bao làng nghề truyền thống khác, ở Thạch Mỹ, mọi người trong làng đều có thể tham gia vào quá trình làm hương, từ trẻ nhỏ đến người già, từ người thợ lành nghề đến những người nông dân tranh thủ lúc nông nhàn, mỗi người đều có thể đóng góp một khâu trong quá trình làm hương.

Chẻ chân hương thì cần bàn tay dày dặn kinh nghiệm của người già, phơi hương thì cần sự khéo léo, tỉ mẩn của người phụ nữ, còn gói hương thì trẻ em 8,9 tuổi cũng có thể giúp cha mẹ làm được ngoài những lúc học hành, vui chơi.

Hương đã góp phần thay đổi diện mạo của làng Báo Ân. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải 

5. Làng nghề làm hương Thủy Xuân (Huế)

Trong danh sách những làng hương trứ danh của Việt Nam, không thể bỏ qua làng nghề làm hương Thủy Xuân (Huế) nằm ngay trên đường Huyền Trân Công Chúa, bên cạnh là dòng sông Hương hiền hòa thơ mộng.

Cũng như bao làng nghề làm hương truyền thống khác, đặt chân đến làng Thủy Xuân này, chưa kịp nhìn thấy hương, đã ngửi thấy mùi thơm nức mũi, mang đến cảm giác thư thái, tĩnh tại. Không chỉ ve vuốt khứu giác, mà cả thị giác của chúng ta cũng như choáng ngợp trước những “bông hoa hương” màu sắc rực rỡ được phơi trên mọi ngả đường của làng.

Với nguyên liệu thảo mộc, bí quyết pha trộn riêng biệt, hương Thủy Xuân nổi tiếng thơm lâu, bền màu và đẹp mắt. Không chỉ cầu kỳ trong lựa chọn nguyên liệu mà các nghệ nhân làm hương lành nghề của Thủy Xuân đều giữ cách làm hương theo phương pháp thủ công truyền thống thay vì dùng máy se hương. Tuy cách làm thủ công có phần vất vả hơn, năng suất lại không cao bằng, nhưng bù lại, đó là cách mà những người con Thủy Xuân lưu giữ giá trị truyền thống mà cha ông truyền lại.

Những “bông hương” rực rỡ sắc màu của làng nghề nổi danh. Ảnh: Trần Quí Thịnh

Những nén hương thơm thắp lên luôn gợi lên trong ký ức những khoảnh khắc sum họp quây quần bên gia đình trong đêm giao thừa hay những ngày lễ tết đầm ấm, an vui. Những làng nghề làm hương truyền thống đã và đang góp phần bảo tồn những nét văn hóa tâm linh đẹp đẽ của dân tộc.

Anh Vũ – Nguồn truyenhinhdulich.vn 

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *