Để lấy được một ký trầm hương bán với giá hàng chục triệu đồng, người thợ phải kỳ công tỉ mỉ dùng tay đục, chẻ, sủi từng thanh gỗ dó bầu để lấy lõi trầm hương mỏng dính và thơm đặc trưng ẩn bên trong. Nghề sủi trầm của làng nghề Trầm hương Tân Phú ngày càng phát triển.
Sủi gỗ dó bầu lấy trầm hương – ẢNH: TIỂU THIÊN
Tại Làng nghề Trầm hương Tân Phú, gghề sủi trầm ở H.Tân Phú (Đồng Nai) xuất hiện hơn chục năm nay. Để tạo trầm hương, người dân dùng một chế phẩm sinh học đặc biệt cấy vào thân cây dó bầu. Sau vài năm nuôi dưỡng, họ cắt cây dó bầu thành từng đoạn ngắn để thu hoạch trầm. Trên thân dó bầu, trầm hương tích tụ thành lớp dầu màu đen mỏng nằm giữa các lớp giác trắng và ròng gỗ. Để lấy được phần trầm hương, người thợ phải trải qua tới 8 công đoạn gồm: bổ, chẻ, đục, đẽo, phá, tỉa, mài và đánh bóng.
Giai đoạn sủi thô với các công đoạn như:
Cắt, bổ, chẻ, đục, đẽo thường dành cho nam giới với lực tay mạnh sủi gần hết phần giác trắng của cây dó bầu. Các thanh gió bầu được chẻ mỏng từ 2-3 cm bao bọc phần trầm hương có màu sẫm đen bên trong.
Công đoạn kế tiếp, những người thợ nhẹ nhàng tỉ mỉ sủi phần giác trắng còn lại để lấy phần trầm hương mỏng chỉ vài phân. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải đều tay sủi, khéo léo và tỉ mỉ vì tránh phạm vào phần trầm hương gây hao hụt.
Phát triển Làng nghề Trầm hương Tân Phú
Tại Làng nghề Trầm hương Tân Phú, thời thịnh của nghề sủi trầm hương cả huyện làm rầm rộ và đông đúc như một làng nghề. Hàng trăm cơ sở chế biến trầm hương mọc lên san sát, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Đến nay, tuỳ làng nghề Trầm hương Tân Phú việc sản xuất trầm hương không còn phát triển như trước nhưng vẫn còn khá nhiều cơ sở duy trì hoạt động.
Chị Trần Thị Hồng (48 tuổi), chủ một cơ sở sản xuất trầm hương ở xã Phú Trung, cho hay cở sở của chị hoạt động hơn 5 năm nay với gần 20 lao động làm việc thường xuyên. Chị Hồng thường mua cây dó bầu có độ tuổi từ 2-3 năm, sau đó cấy chế phẩm sinh học vào. Đến vài năm sau thì cắt cây dó bầu về để lấy trầm. “Mỗi tháng tùy vào số lượng khách hàng đặt mà cơ sở tôi xuất bán vài chục tạ trầm hương đi Trung Quốc”, chị Hồng nói. Theo chị Hồng, mỗi kg trầm hương A+ có giá tới 30 triệu đồng. Các loại A, B thì có giá mềm hơn từ 10-20 triệu đồng/kg. Trầm hương được các cơ sở xuất bán sang thị trường Trung Quốc là chủ yếu. Ngoài ra, phần xác tỉa từ giác gỗ dó bầu cũng được tận dụng bán cho người làm nhang, nấu dầu, nước hoa với giá 200.000 đồng/kg.
Ông Trần Văn Bỉ (54 tuổi, ngụ xã Phú Sơn), một công nhân làm nghề sủi trầm lâu năm, chia sẻ: “Công đoạn của tôi là đục, chẻ gỗ với thù lao 170.000 đồng/ngày. Tuy thu nhập không cao nhưng ổn định, có đồng ra đồng vào để trang trải cho cuộc sống”.
Ông Phạm Thành Công (52 tuổi, chủ cơ sở Trầm hương Thành Công), một trong những cơ sở có thâm niên trong nghề sản xuất trầm hương, cho biết thời thịnh của nghề, ông trồng hàng chục ha cây dó bầu để lấy trầm. Cơ sở của ông lúc nào cũng có từ 40-50 công nhân làm việc. Nay thị trường giảm nhiệt, quy mô cơ sở thu hẹp dần, hàng làm ra chỉ bán tại cơ sở. “Cây dó bầu được tôi dùng kỹ thuật khoan tạo trầm từ bên trong nên chất lượng trầm hương tốt hơn, cho lợi nhuận cao gấp 1,5 lần so với các cơ sở sản xuất trầm bình thường”, ông Công tiết lộ.
Ngoài sản xuất trầm hương thương phẩm để bán, một số cơ sở cũng sủi các cây trầm hương lớn để bán cho người chơi cảnh. Mỗi cây trầm hương làm cảnh tùy độ lớn và độc đáo có giá từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Trầm hương có mùi thơm đặc trưng, dùng chế biến nhiều sản phẩm cao cấp nên thị trường các nước vẫn ưa chuộng, nên nghề sản xuất trầm hương vì thế mà vẫn ăn nên làm ra.